Thứ Ba, 26 tháng 10, 2010

vi sinh

Xử lý nước thải bằng vi sinh vật

(Công nghiệp Việt Nam, số 15, ngày 14/4/2004, tr.9)
Theo số liệu từ Viện hoá học công nghệ, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp của riêng thành phố Hà Nội năm 2000 là 360.000m3/ngày đêm. Dự báo đến năm 2010 con số này sẽ lên 510.000m3. Nước thải đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sức khỏe của người dân nhưng đến nay chúng ta chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu nào. Để góp phần cải thiện nguồn nước ô nhiễm này, Viện Hoá học công nghệ (Bộ Công nghiệp) đã phối hợp với Trung tâm công nghệ môi trường quốc tế Nhật Bản (ICETT) chuyển giao công nghệ xử lý nước thải bằng vi sinh vật.

Xử lý nước thải không cần hoá chất

Từ nguồn nước cực kỳ ô nhiễm ở sông Tô Lịch, người ta chỉ việc bơm lên cho chảy qua hệ thống lọc là nước sẽ… trong vắt mà không cần sử dụng bất cứ loại hoá chất nào. Đó là kết quả xử lý nước thải theo phương pháp tuần hoàn tự nhiên. Ông Đỗ Thanh Bái – Giám đốc Trung tâm bảo vệ môi trường và an toàn hoá chất (Viện Hoá học) cho biết: Vật liệu để lọc là những thứ sẵn có, dễ tìm và rất rẻ tiền như đá vôi, chất phế thải xây dựng có độ xốp cao, chai nhựa phế thải, than củi, các loại vỏ động vật có nhiều can xi như sò, ốc, hến. Ngoài ra chỉ cần thêm một số cành cây, gỗ mục để làm môi trường cho các vi sinh vật phát triển là có thể thực hiện quy trình lọc. Thiết bị bao gồm các bể lọc thông nhau làm bằng vật liệu không bị ăn mòn như sắt, bê tông… kể các các thùng phuy. Tuỳ vào mức độ ô nhiễm của nguồn nước thải mà người ta bố trí số lượng bể nhiều hay ít. Thông thường là 3-5 bề để xử lý các chất chất rắn lơ lửng, phốt pho, ni tơ, mùi vị, màu sắc… Quá trình lọc hoàn toàn thực hiện nhờ các vi sinh vật phân huỷ các chất trong nước thải. Nguồn nước sau khi xử lý có thể dùng làm nước tưới hoặc quay trở lại sông hồ. Nếu xử lý thật kỹ có thể dùng làm nước sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay phương pháp này có thể áp dụng tốt nhất tại các khu dân cư, các kênh mương ô nhiễm, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm…
Càng để lâu càng chạy tốt
Độ sạch của nước sau khi xử lý phụ thuộc vào chất lượng nước thải bẩn nhiều hay ít, thời gian nước thải lưu trong hệ thống lọc nhanh hay chậm, sự ổn định của hệ thống vi sinh vật đã hoàn chỉnh hay chưa. Điểm đặc biệt nhất của hệ thống lọc này là tuổi thọ càng cao chất lượng càng tốt. Bởi vì khi mới vận hành, vi sinh vạt cần một thời gian để sinh sôi này nở và ổn định dần để phù hợp với nguồn nước thải. Khi hệ vi sinh vật đã phát triển hoàn thiện và đạt độ tương thích hợp lý nhất thì hệ thống lọc sẽ đạt công suất cao nhất với chất lượng tốt nhất.
Đơn giản, rẻ tiền, dễ sử dụng
Ưu điểm của phương pháp lọc bằng vi sinh vật là chi phí đầu tư xây lắp thấp (2,5-3 triệu đồng/m3) có thể sử dụng vật liệu tự nhiên sẵn có, không dùng hóa chất nên không ảnh hưởng đến môi trường. Đặc biệt, công nghệ này sau 6 tháng đến 1 năm mới phải bảo dưỡng một lần bằng cách thổi ngược khí từ dưới lên để làm sạch vật liệu lọc. Hiện nay hệ thống lọc này đã được áp dụng ở Nhật Bản hàng chục năm chưa phải thay vật liệu lọc. Nhược điểm của phương pháp này là chưa hiệu quả với nước thải chứa kim loại nặng, thuốc trừ sâu, nước thải chứa nhiều a xít hạơc quá kiềm.

Ngọc Loan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét